Bạo lực học đường từ những hội, nhóm trên mạng

Những hội, nhóm của học sinh (HS) xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là gần đây khi có chế độ tương tác ẩn danh, nhiều em trong số đó đã không tiếc lời chế giễu, bắt nạt bạn học.
16/01/2024 21:38:09857
 

Đáng nói những hội nhóm trên các mạng xã hội này không ai kiểm soát, ai cũng có thể tham gia khiến không ít HS trở thành nạn nhân trên không gian mạng.

Vào khuya một buổi tối đầu năm, một dòng status của nick Facebook tên N. đăng trên trang "Học sinh TQK" viết: Mình áp lực học hành quá, lên cấp 3 không tìm được bạn thân, có vẻ như còn bị xa lánh, mình phải làm sao đây? Một dòng tâm sự nghiêm túc nhưng phía dưới phần bình luận là những lời rất tiêu cực: "Đi chết đi em ạ", "nhảy cầu thôi nào, để anh cầu siêu cho", "thổi bóng (bóng cười) em nha"…

Tại một trang Facebook có tên "HS N.K" tràn lan những bài viết: "Con L.P.D lớp… là thánh xạo…, có tin là tao bóc phốt mày lên cả nhóm học sinh TP này không?", "Ê, con mắt lồi V.A, muốn đánh lại tao thì hẹn... để xem đứa nào lì nha mày", "Con T.G mắt lé mà thích nhìn đểu chị à, có tin là chị cho em lé luôn con mắt còn lại không?...".

Vào hội, nhóm HS, có thể dễ dàng đọc được những bình luận tương tác như trên. Thậm chí không thiếu những ngôn ngữ tục tĩu, thô thiển mà người đọc phải đỏ mặt.

Em H.T, một HS lớp 10 tại TP HCM, kể chỉ vì sự việc hai bạn gái trong nhóm nghi ngờ nhau chính là người viết bài nói xấu người kia trên Facebook mà cả hai bên không tiếc dùng những ngôn từ thô lỗ để chửi nhau trên mạng.

Phụ huynh một trường THCS tại quận Phú Nhuận chia sẻ: Có hôm con đi học về cứ thấy buồn mà không nói gì, gặng hỏi mãi con mới kể là có một bạn ở lớp 9 cùng trường nghi ngờ con là người mách với giám thị bạn hút thuốc lá điện tử ngoài quán và đòi "xử đẹp". Bạn này có lời lẽ thách thức trên một nhóm HS trường, đòi con ra mặt để giải quyết. "Tôi đã phải khuyên con mình bình tĩnh và tìm dịp để trình bày với giáo viên chủ nhiệm" - phụ huynh này cho biết.

ThS Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), cho biết hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang fanpage, confession, facebook lấy tên trường học nhưng đó không phải là trang thông tin chính thống do nhà trường thiết lập và admin (quản trị) của nhà trường. Thực tế chính những trang, nhóm thông tin này thu hút rất đông lượt người tham gia và tương tác trong đó có cả người đang học, đã ra trường, phụ huynh, giáo viên… và nhiều đối tượng khác tham gia. Theo quan sát, những trang thông tin này thu hút rất đông lượng người tương tác, đưa tin và bình luận.

Mỗi trường đều phải có và xây dựng trang thông tin điện tử trường học, có những fanpage, Facebook đoàn trường một cách chính thống để kết nối, chia sẻ, cập nhật thông tin đến người học, phụ huynh hơn nữa là để giới thiệu hình ảnh hoạt động của nhà trường đến xã hội.

Bà Lê Thị Hồng Anh cho rằng mỗi nhà trường cần cung cấp những trang thông tin điện tử chính thống cho người học, phụ huynh, công dân được biết thông qua website nhà trường, thông tin trong giờ sinh hoạt dưới cờ, cuộc họp ban đại diện cha mẹ HS.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, an ninh mạng, công an tăng cường việc tuyên truyền, hỗ trợ chuyên môn xử lý các trang, nhóm có dấu hiệu vi phạm, xuyên tạc, đăng tải các thông tin sai sự thật và tăng cường sự vào cuộc của công an, an ninh mạng khi phát hiện các tài khoản ẩn danh đăng tải, lan truyền các thông tin xấu độc hại và có biện pháp chế tài, xử lý một cách nghiêm khắc để tăng tính răn đe và giáo dục.

Theo Báo Người Lao Động

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png