CGKT Phạm Chi Lan: Phát triển bền vững – Yếu tố sống còn của doanh nghiệp

Trong khuôn khổ buổi hội thảo "Phát triển bền vững" do NS BlueScope Việt Nam tổ chức vừa qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đề ra những cách giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
16/10/2020 8:25:50401
 

Theo bà khoảng cách giữa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam với thế giới như thế nào?

Tôi thấy một số chỉ tiêu và mục tiêu đặt ra của Việt Nam vẫn còn xa mới đạt được, đặc biệt là về khía cạnh chất lượng phát triển bền vững. Ví dụ Việt Nam đang rất cần chuyển mạnh sang dùng những năng lượng tái tạo, hoặc khoa học công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, trong khi có rất nhiều thứ cần phải ứng dụng khoa học công nghệ mới có thể đạt được. Chưa kể là ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do chúng ta tập trung rất nhiều vào Covid cho nên quên nói tới câu chuyện đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước nặng nề như thế nào, hay do tác động của khí hậu làm cho miền Trung có nhiều thiên tai khác…

Bên cạnh đó, bản chất của việc thực hiện phát triển bền vững đòi hỏi sự phối hợp liên ngành rất lớn nhưng mà nó lại không tương thích với hệ thống ở Việt Nam. Một trong những vấn đề lớn nhất của hệ thống Việt Nam là một hệ thống quá rộng về mặt chính quyền với nhiều cấp, nhiều bộ ngành, như vậy là rất khó trong việc phối hợp.

Việt Nam sẽ phải thực hiện những gì để thu hẹp khoảng cách này, thưa bà?

Để giảm khoảng cách, cần phải cải thiện chính sách và cố gắng cải thiện những điều bất cập. Đồng thời nâng cao hiểu biết và hành động trong toàn thể xã hội (và trong các bộ phận của Chính phủ cũng quan trọng không kém). Ngoài ra cần nâng cao, cải thiện việc phối hợp với nhau, cho các đối tượng. Ở đây các cơ quan nhà nước có lẽ cũng là vấn đề số một.

Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao năng lực về mặt thống kê; phải cải thiện hiệu quả khi sử dụng các nguồn lực tài chính; lồng ghép các mục tiêu SDGs vào các chiến lược, các nguyện vọng chính sách của chính quyền trung ương cũng như địa phương. Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế.

Khi đại dịch xảy ra đã khiến chuỗi cung ứng toàn thế giới bị đứt gãy, bà đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Thông thường cứ 3 - 7 năm sẽ xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng một lần. Điều này xảy ra trước dịch nhưng đến Covid này thì nặng nề rất nhiều. Có thể thấy rõ ràng Covid-19 vừa là tác động mạnh nhất vừa rộng lớn nhất từ trước đến nay đối với các chuỗi cung ứng. Phổ biến nhất là sự thiếu vắng những nhà cung cấp hoặc những khách hàng tiềm năng không thể thay thế - bởi thế giới phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc. Tới nay có quá nhiều nhà cung ứng cũng như là khách hàng tiêu dùng của nước ta bị phá sản. Việt Nam cũng vậy, số doanh nghiệp bị loại ra khỏi cuộc chiến cao nhất từ trước đến…

Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để đứng vững và hướng đến con đường phát triển bền vững toàn cầu?

Trước hết doanh nghiệp phải tập trung hoàn thành trách nhiệm của mình trong các chuỗi và triển khai làm thế nào cho nó hiệu quả hơn. Ở đây, tôi xin đưa ra 10 hành động cần thiết của các doanh nghiệp trong thời điểm này đã được McKinsey khuyến nghị:

Xem việc trở lại như là một cuộc chạy đua marathon, tạo sức mạnh mới và sức bền để đi xa hơn nữa

Tập trung vào những hành động có thể mang lại tác động tốt nhất cho mình như là công nghệ, khả năng về phân tích và toàn cầu hóa

Xây dựng đội ngũ linh hoạt hơn, đào tạo hoặc tuyển dụng những người lãnh đạo tương lai có thể nhận thức được và thực hiện được trách nhiệm của mình.

Xây dựng lại hệ thống nhân viên từ trên xuống dưới, phải tiếp tục đầu tư và giúp họ nâng cao trình độ tay nghề

Tập trung vào vốn đầu tư để có hiệu quả cao nhất

Tập trung các công trình phát triển về công nghệ sao cho hiệu quả cao

"Rethink the global footprint" - xem lại chiến lược của mình khi tham gia toàn cầu, phát triển toàn diện mới, tập trung vào phát triển khu vực/song phương. Đây là xu hướng chung của toàn cầu hóa

Tham gia tích cực vào việc chống tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Coi trọng vai trò của Chính phủ. Trước đây có rất nhiều nước làm nhẹ đi vai trò của chính phủ, tăng vai trò của thị trường lên. Nhưng đại dịch Covid đã cho thấy tầm quan trọng của Chính phủ để có thể can thiệp vào những lỗ sai hỏng buộc nó phải chuyển đổi nhanh hơn.

"Make purpose part of everything" - mục tiêu của mỗi công ty sẽ gắn bó tất cả mọi người lại với nhau, làm giảm tính bất ổn khi có một tầm nhìn xa.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cùng ban lãnh đạo BlueScope Việt Nam và khách mời tham dự tại buổi hội thảo

Với mục tiêu luôn hướng đến sự phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng, NS BlueScope Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo "Phát triển bền vững – Yếu tố sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp" với sự góp mặt của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và lãnh đạo của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, sản xuất.

Tại buổi hội thảo, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan đã chia sẻ về mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và làm cách nào để thu hẹp khoảng cách.

Chi tiết nội dung, xem tại đây:

https://www.youtube.com/watch?v=1TN5Uhz_LaE&feature=emb_logo

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png