Chạy đua để người dân sớm được tiêm vaccine phòng Covid-19

Kinhtedothi - So với kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Song song với đó, Bộ tiếp tục đàm phán với các đối tác nước ngoài để cung ứng nguồn vaccine sử dụng trong nước.
22/02/2021 9:32:09376
 
Kinhtedothi - So với kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Song song với đó, Bộ tiếp tục đàm phán với các đối tác nước ngoài để cung ứng nguồn vaccine sử dụng trong nước.
 
Tiêm vaccine cho tình nguyện viên đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 17/12/2020. Ảnh: Ngọc Tú

 

 
Rút ngắn thời gian nghiên cứu vaccine trong nước
Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine cho biết, Công ty CP Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tiêm mũi thứ 2 và lấy máu 7 ngày sau tiêm để đánh giá tính sinh miễn dịch cho 60 tình nguyện viên được tiêm ở 3 mức liều: 25mcg, 50mcg và 75mcg. Kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm, vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax an toàn, không có biến cố bất lợi, nghiêm trọng nào. Đánh giá sơ bộ, vaccine có sinh miễn dịch tốt. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa 3 liều chưa có số liệu chính thức do thời gian ngắn, số lượng mẫu còn nhỏ.
Để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, Bộ Y tế đề xuất, không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu vaccine tại Học viện Quân y mà sẽ phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cùng tham gia vào nghiên cứu (thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Qua tính toán sơ bộ ban đầu, với số lượng nghiên cứu giữ nguyên, bảo đảm cỡ mẫu giai đoạn 2, việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng.
Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người và trong tuần này, có thể sàng lọc, chọn lựa đối tượng đủ tiêu chuẩn, đáp ứng cỡ mẫu của tiến độ giai đoạn 2. Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi thứ 2 và đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021 nếu như các dữ liệu nghiên cứu của giai đoạn này đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch. Giai đoạn 3, vaccine Nano Covax sẽ thử nghiệm lâm sàng cho hơn 10.000 đến 15.000 người, có thể mở rộng việc lựa chọn các đối tượng tham gia để bảo đảm tính phổ rộng cũng như những vấn đề liên quan đến tính khoa học.
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 của vaccine Nano Covax là an toàn, không có biến cố nặng, có sinh kháng thể, có khả năng phòng bệnh. Sau khi thực hiện giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá các chỉ số miễn dịch kỹ hơn để kiểm tra khả năng đáp ứng của vaccine. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã thông qua việc tuyển chọn tình nguyện viên giai đoạn 2 là người hơn 65 tuổi, một số người có bệnh nền không quá nặng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường...
Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn bảo đảm các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết tiến độ sản xuất vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế và vaccine của Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Đẩy nhanh cấp phép nhập khẩu
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo tiêm đủ cho dân số, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine trong năm 2021. Hiện tại, Bộ Y tế đã đàm phán với Liên minh toàn cầu về vaccine, chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm.

 

COVAX đứng ra mua vaccine từ một số công ty và cung cấp cho người dân 90 nước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được cung cấp vaccine. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca của Anh cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều trong năm nay. Vaccine của AstraZeneca là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu có điều kiện. Trong đó, 204.000 liều đầu tiên của AstraZeneca dự kiến có mặt tại Việt Nam vào ngày 28/2 tới. Như vậy trong năm 2021, Việt Nam chắc chắn có ít nhất 60 triệu liều vaccine từ nguồn nước ngoài. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, Nga… để có thêm vaccine.
Để có thêm nguồn vaccine phục vụ phòng chống dịch, Bộ Y tế cũng đang kêu gọi, khuyến khích các đơn vị trong nước chủ động đàm phán, nếu có nguồn vaccine có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhập khẩu về Việt Nam. Trong điều kiện khẩn cấp, Bộ Y tế giảm tối đa dịch vụ hành chính, thực hiện cơ chế cấp phép thần tốc trong vòng 5 ngày, bao gồm cả rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vaccine. "Bộ Y tế đang nỗ lực để mọi người dân có thể tiếp cận được vaccine để chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, phát triển đời sống, kinh tế" – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đối tượng nào được ưu tiên tiêm trước?
Theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhóm có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, người cao tuổi, trường hợp mắc các bệnh lý nền nên tiêm vaccine sớm. Trong tình thế nguồn cấp vaccine còn hạn chế, WHO khuyến cáo sản phẩm này nên ưu tiên cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, người lớn tuổi (bao gồm nhóm từ 65 tuổi trở lên).Bên cạnh những nhóm ưu tiên trên, WHO khuyến khích những trường hợp mắc bệnh lý nền, nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 cao hoặc dễ gặp biến chứng nặng như người bị béo phì, tim mạch, hô hấp, tiểu đường nên tiêm vaccine. Những người từng mắc Covid-19 cũng có thể tiêm vaccine. Nhưng họ có thể trì hoãn để dành vaccine cho những trường hợp khẩn cấp hơn.
Còn tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau khi vaccine về tới Việt Nam, Bộ Y tế tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tiêm chủng, dựa theo các khuyến cáo của WHO và các quy định pháp luật có liên quan đến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, ưu tiên các vùng có dịch, nguy cơ cao, những người tiếp xúc trực tiếp như cán bộ y tế phòng chống dịch, bộ đội, công an quản lý khu cách ly… Với nguồn vaccine COVAX, WHO đưa ra tiêu chuẩn ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, tiếp đến là đến nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi có bệnh nền nhằm bảo vệ các nhóm đối tượng này. Văn phòng WHO tại Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vaccine Covid-19 để gửi COVAX.
Trước đó tại phiên họp đầu tiên (ngày 18/2), Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đã đồng ý về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho Nhân dân. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vaccine được tiến hành thực hiện trong điều kiện khẩn cấp, áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất.

Bộ dự kiến giao Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Nha Trang, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xây dựng giáo trình, tổ chức tập huấn để khi có vaccine, tiêm chủng với mật độ lớn cho cộng đồng dân cư, phải có người tham gia chứ không chỉ lực lượng y tế dự phòng.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

 

 

 

Theo Báo Mới

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png