Cơ hội vàng cho thương hiệu gạo Việt Nam

Giá gạo Việt Nam đang ở mức cao nhất nhì thế giới và đang tiếp tục tăng mạnh. Đây được xem là cơ hội vàng cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia.
14/12/2023 8:54:171000
 

Đầu tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các địa phương để yêu cầu tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam thông qua chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, chương trình thương hiệu quốc gia và các chương trình, đề án liên quan của các bộ, ngành, địa phương.

Nhà nông vẫn còn lạ lẫm với nhãn hiệu

Hầu hết các địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn tại ĐBSCL đều đã chú ý đến công tác hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu lúa gạo từ lâu. Tuy nhiên, số lượng nhãn hiệu đã được đăng ký vẫn còn khá khiêm tốn so với gần 1,5 triệu ha lúa của vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam này.

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đến nay cơ quan này đã hỗ trợ 20 nhãn hiệu và 16 nhãn hiệu tập thể lúa gạo của Long An đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một trong những tỉnh có số lượng nhãn hiệu lúa gạo khá nhiều ở phía Nam.

Trong đó có nhiều nhãn hiệu do đơn vị nhà nước đăng ký sở hữu như Gạo Nàng Thơm Chợ Đào (HTX DV NN xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), Nếp chùm 46 (Trung tâm Khuyến nông Long An), Gạo hữu cơ Vĩnh Thuận (HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), Gạo nếp HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng)...

Có một số nhãn hiệu đã được các công ty tư nhân đăng ký, xuất hiện trên thị trường từ rất sớm như Tân Đồng Tiến (Công ty CP Tân Đồng Tiến) có từ năm 2004, MT (DNTN Minh Tâm) có từ năm 2005, Công Thành - Sáu Cường (DNTN Công Thành II) có từ năm 2006...

Trong khi đó tại nhiều địa phương, việc đăng ký nhãn hiệu lúa gạo còn khá khiêm tốn. Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng cho biết thời gian qua chỉ nhận hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu gạo của hai tập thể (một cho gạo ST và một cho gạo tài nguyên) và nhãn hiệu của một số cá nhân.

Tại một số địa phương có diện tích lúa ít như Bến Tre, từ tháng 3-2017, HTX lúa - tôm Thạnh Phú mới đi tiên phong trong việc đăng ký nhãn hiệu gạo sạch của địa phương.

Nhiêu khê đăng ký nhãn hiệu

Là địa phương phát triển nhãn hiệu lúa gạo nhất vùng ĐBSCL, đến nay Long An đã có chính sách hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quy trình và hồ sơ đăng ký cũng đã được ban hành chi tiết nhằm phục vụ cá nhân, tập thể có nhu cầu thực hiện dễ dàng.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là nhiều tổ chức, cá nhân chưa hiểu rõ nhãn hiệu, logo là gì, chưa phân biệt rõ giữa tên công ty và nhãn hiệu.

"Điều này dẫn đến việc thiết kế mẫu nhãn, logo chưa phù hợp với sản phẩm hoặc bị trùng lắp với những nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Thậm chí một số nhãn hiệu đăng ký nhưng không tra cứu trước, lại trùng lắp với nhãn hiệu đã được đăng ký trước nên vừa mất thời gian mà lại bị từ chối", một lãnh đạo Sở KN&CN tỉnh Long An cho hay.

Ông Dương Vĩnh Hảo - phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng - cũng thừa nhận việc đăng ký nhãn hiệu thời gian qua còn khá nhiêu khê mà vướng mắc không phải ở địa phương. "Quyết định cấp chứng nhận nhãn hiệu hay thương hiệu gạo thuộc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ. Có lẽ do quá nhiều hồ sơ gửi đề nghị, cần thời gian xem xét nên có chậm", ông Hảo nói.

Kể về việc đăng ký nhãn hiệu gạo, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết sau khi gạo ST25 lên "ngôi vương" năm 2019, gia đình ông đã bắt tay làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho "đứa con của mình".

Tuy nhiên phải mất gần hai năm, nộp đơn vào tháng 5-2021 nhưng đến tháng 3-2023 Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Gạo ông Cua cho Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (do con ông Cua làm chủ). "Không chỉ nhiêu khê, kéo dài, kinh phí thuê mướn luật sư này nọ... hết tổng cộng trên 1 tỉ đồng mới được cấp nhãn hiệu", ông Cua tiết lộ.

Thương hiệu lúa gạo chưa được bảo vệ

Ông Trần Tấn Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết theo quy định, mọi tổ chức, cá nhân muốn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gạo của mình phải làm hồ sơ gửi Sở KH&CN.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm gạo mới được phép bán trên thị trường, ai làm sai đều bị xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Theo ông Phương, thời gian qua không ít tổ chức, cá nhân đã "xào", làm nhái, làm giả nhãn hiệu, thương hiệu gạo, nhất là gạo thơm ST.

Là một trong ba tác giả của giống lúa thơm ST25, ông Phương tỏ ra khá bức xúc khi nhiều nơi, nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu gạo thơm ST25 nhưng chưa được xử lý tới nơi tới chốn.

"Việc này gây thiệt hại lớn cho người làm ăn chân chính. Để bảo vệ thương hiệu gạo và nâng tầm hạt gạo Việt Nam, các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng gian lận thương mại, làm nhái, làm giả nhãn hiệu gạo", ông Phương kiến nghị.

Một doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu gạo ở ĐBSCL cho biết mặc dù đã có nhiều văn bản quy định về quy trình và dư lượng hóa chất trong gạo, nhưng chưa có các chế tài đủ sức răn đe, cũng như chưa có các chương trình truyền thông để nông dân tuân thủ quy trình trồng lúa, chưa có các công bố chất lượng để hệ thống phân phối chọn lựa sản phẩm.

"Từ đó, người tiêu dùng phải chấp nhận việc không có lựa chọn trong quá trình mua gạo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với những nông dân và thương nhân muốn trồng lúa chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm", vị này bức xúc.

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png