Khu vực Đông Nam Bộ: Sôi động khí thế sản xuất, kinh doanh

(HNM) - Tính đến cuối tháng 2-2021, đã có 90-98% công nhân của các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Với khí thế sản xuất, kinh doanh sôi động ngay từ đầu năm cộng với việc chú trọng phòng dịch Covid-19, các doanh nghiệp và địa phương đều kỳ vọng vào bước tăng trưởng mới trong năm 2021.
26/02/2021 8:05:07376
 

(HNM) - Tính đến cuối tháng 2-2021, đã có 90-98% công nhân của các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Với khí thế sản xuất, kinh doanh sôi động ngay từ đầu năm cộng với việc chú trọng phòng dịch Covid-19, các doanh nghiệp và địa phương đều kỳ vọng vào bước tăng trưởng mới trong năm 2021.

Công nhân Công ty TNHH Printa Việt Nam, Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (tỉnh Bình Dương) làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Không khí sản xuất hăng hái, khẩn trương

Sáng 20-2, có mặt tại Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc (quận 12, thành phố Hồ Chí Minh), phóng viên ghi nhận hơn 2.600 công nhân, chiếm hơn 90% số người lao động của công ty đã đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tại đây, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, 100% cán bộ, công nhân công ty đều đeo khẩu trang khi làm việc. Để tạo không khí phấn khởi, công ty tổ chức cho công nhân đi làm đầu năm được tham gia bốc thăm trúng thưởng các phần quà trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Chị Lê Thị Mỹ Hằng (quê tỉnh Bến Tre, công nhân của công ty) nói: “Tôi mong năm nay công nhân có nhiều việc làm, thu nhập ổn định”.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần đầu sau kỳ nghỉ Tết, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt hơn 90%. Đây là điều đáng mừng vì phần lớn các doanh nghiệp không phải ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động như nhiều năm qua.

Tại các địa phương có nhiều cơ sở công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, không khí lao động khẩn trương, hăng hái cũng diễn ra ngay từ đầu năm. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý thông tin, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 98% doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Tình trạng thiếu hụt lao động không diễn ra, kể cả ở những doanh nghiệp có đông công nhân như: Công ty cổ phần Taekwang Vina (hơn 35.000 người), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (hơn 36.000 người)...

Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, số lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn đạt hơn 90%. Mặc dù có một sự cố xảy ra khi Công ty TNHH Delancey Street Furniture VN (Khu công nghiệp Rạch Bắp, thị xã Bến Cát) tuyên bố giải thể ngày 17-2, khiến 345 công nhân mất việc làm, nhưng cơ quan chức năng của tỉnh đã giải quyết kịp thời. "Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cùng các doanh nghiệp khác đã phối hợp, tạo việc làm mới ngay từ ngày 20-2 cho số công nhân này", bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân thông tin.

Hướng tới mục tiêu phát triển cao hơn

Hiện các địa phương khu vực Đông Nam Bộ là tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh đều xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện tốt "nhiệm vụ kép": Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, UBND tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu trong năm 2021 thu ngân sách tỉnh đạt 54,2 nghìn tỷ đồng. Còn theo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2021, tỉnh phấn đấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ USD. Với thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) phấn đấu đạt từ 6% trở lên.

Sự quyết tâm bứt phá về kinh tế của các địa phương đã được các doanh nghiệp trên địa bàn hưởng ứng. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai Park Hyun Bae đánh giá, năm 2020 và gần 2 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn mở rộng đầu tư và đầu tư mới vào Việt Nam. Riêng tháng 1-2021, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư hơn 150 triệu USD vào Đồng Nai. Còn tại Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam (chuyên sản xuất sản phẩm từ thủy tinh trong Khu công nghiệp VSII ở thành phố Thủ Dầu Một) Masahiko JiSai cho biết: "Ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi đã có những đơn hàng xuất khẩu lớn, nên tổ chức làm việc xuyên Tết để đáp ứng yêu cầu".

Riêng với thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề phát triển năm 2021 là "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, sự kiện cuối tháng 1-2021, Tập đoàn Intel của Mỹ bổ sung vốn đầu tư 475 triệu USD (ngoài khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD trước đó) vào nhà máy của Intel Products Việt Nam (IPV) trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, để tăng cường năng lực sản xuất chính là kết quả của chính sách thu hút đầu tư đúng đắn của thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang nỗ lực tạo đột phá trong việc đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, giúp tăng năng suất lao động, có sức bật mạnh mẽ. Tinh thần này sẽ lan tỏa đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để hướng tới những mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

THANH TÀU

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png