Kiện toàn chức danh Nhà nước sau Đại hội XIII: Chọn người dám hành động, đột phá

TP - Hội nghị Trung ương 2 khai mạc vào đầu tuần này, dự kiến bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 11 tới đây (khai mạc ngày 24/3), Quốc hội cũng sẽ tiến hành thực hiện kiện toàn nhân sự các chức danh Nhà nước.
08/03/2021 8:33:07422
 

 

 
Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh Nhà nước. (Trong ảnh, ĐB trao đổi bên hành lang Quốc hội). Ảnh: Như Ý

Trước thềm những sự kiện quan trọng này, trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia, cựu lãnh đạo cho rằng: Ngoài các tiêu chuẩn, tiêu chí chung, nên chọn những người có thành tích, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá làm người đứng đầu bộ máy các cơ quan Nhà nước.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương:
Dựa vào kết quả đánh giá cán bộ
Ông Lê Quang Thưởng

 

Việc kiện toàn nhân sự bộ máy Nhà nước sau Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển đất nước trong thời gian tới. Từ kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho thấy, chúng ta đã lựa chọn được một Ban Chấp hành Trung ương theo đúng yêu cầu, tiêu chí đề ra. Trong số đó, có nhiều người có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung của đất nước.

Thứ nhất, nhân sự được chọn làm người đứng đầu các cơ quan Nhà nước phải là những người có tinh thần “6 dám”: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Điều này cũng đã được nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng và tới đây cần được tiếp tục xem là tiêu chí quan trọng để lựa chọn. Đồng thời, cần thẳng thắn loại bỏ những cán bộ, tư lệnh ngành chỉ “ngồi” giữ mình, sợ sai, ngại va chạm, thiếu quyết liệt hành động.

Tiêu chuẩn thứ hai, khi lựa chọn cán bộ phải chú ý đặc biệt đến kết quả, thành tích chỉ đạo điều hành của họ ở các chức danh lãnh đạo cũ. Tức là phải xem cán bộ đó khi làm bí thư, chủ tịch, bộ trưởng, trưởng ngành thì địa phương, cơ quan đó hoạt động ra sao, có phát triển không hay lẹt đẹt trung bình; có được nhân dân, doanh nghiệp tín nhiệm không? 
ĐBQH Phạm Văn Hòa, ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Phải là tấm gương tiêu biểu
Ông Phạm Văn Hòa

 

 

Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp và đã có những thay đổi về nhân sự. Đây là quy luật tất yếu trong công tác cán bộ. Cá nhân tôi kỳ vọng và tin tưởng nhân sự được Quốc hội bầu, phê chuẩn tới đây sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước. Qua đó sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân. 
Với sự tiếp nối, liền mạch như vậy, bộ máy Nhà nước sẽ được duy trì liên tục. Sự thay đổi về mặt nhân sự ra sao, tới đây chúng ta mới biết được cụ thể. Dù là người lãnh đạo trên cương vị mới, nhưng đã kinh qua nhiều vị trí, am hiểu tường tận trên nhiều lĩnh vực trước đó, tôi tin họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mỗi vị trí nhân sự cụ thể đều đã có tiêu chuẩn rõ ràng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, yêu cầu quan trọng bậc nhất đối với những vị trí lãnh đạo được bầu tới đây là cái tâm, cái tầm của cán bộ. Tất nhiên, tâm và cái tầm ấy phải được đặt trong sự hỗ trợ đắc lực của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự tin tưởng, ủng hộ của người dân. Trong đó rất cần tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ. Cán bộ càng ở cấp cao, tính tiên phong, gương mẫu càng phải lớn. Họ phải là những tấm gương sáng, tiêu biểu cho cấp dưới noi theo. 
Đặc biệt trong tình hình mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đó chính là cái tầm của người cán bộ, dám đi đầu, mạnh dạn đề ra những quyết sách và có trách nhiệm nâng cao hiệu quả trong ngành, lĩnh vực của mình phụ trách. Đồng thời, chúng ta rất cần cơ chế, chính sách phù hợp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT Trung ương:
Chọn người dám đột phá
Ông Ngô Văn Sửu

 

 

 

Tiêu chí, tiêu chuẩn về lựa chọn cán bộ hiện nay rất đầy đủ, vấn đề là lựa chọn ai và ai là người có đủ phẩm chất, năng lực để tạo ra những đột phá mới, giúp đất nước phát triển. Trước đại hội XIII của Đảng, khi xem xét lựa chọn nhân sự khóa mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói “đừng thấy đỏ tưởng chín”. Điều này là rất sâu sắc cho thấy việc lựa chọn cán bộ phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng. 
Mục tiêu phát triển đất nước mà văn kiện Đại hội XIII đề ra rất lớn. Điều này càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có khát vọng, phải có những hành động dấn thân. Vì thế, việc lựa chọn nhân sự để kiện toàn vào các chức danh Nhà nước tới đây, phải đặc biệt chú trọng đến kết quả và thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các nhân sự. Người được lựa chọn phải là người có nhiều thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động tại cơ quan đơn vị. Không chọn người “nói hay mà làm dở”; ngại va chạm; ngại đổi mới.
VĂN KIÊN - LUÂN DŨNG (GHI)

 

 

 

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png