Muốn Bến xe Miền Đông mới hút khách, phải xóa bến cũ

(PLO)- Sở GTVT TP.HCM cho biết di dời Bến xe Miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới trước hết cần phải có lộ trình, có đánh giá và phương án cụ thể.
20/03/2021 8:28:02481
 

Liên quan đến tình hình Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới đã hoạt động năm tháng nay nhưng vẫn không hiệu quả, nhiều người dân và chuyên gia cho rằng ngoài bất cập về hạ tầng giao thông thì việc còn tồn tại BXMĐ cũ cũng là một nguyên nhân khiến bến xe mới “ế khách”.

Hình ảnh đông đúc, chen lấn ở Bến xe Miền Đông cũ ...

 

...và cảnh vắng vẻ, đìu hiu ở Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: LP

Khai thác không hiệu quả thì rất lãng phí

Chị Hà Thanh (người dân quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Thấy tình hình chật chội, chen lấn ở bến cũ mà ngán và thấy cảnh rộng rãi, thoáng mát ở bến mới mà ham. Tuy nhiên, bến mới chỉ có mấy tuyến đi ra Bắc nên cũng không có nhiều người có nhu cầu”.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định: “Còn bến cũ thì bến xe mới làm sao hoạt động được! Theo thói quen, người dân vẫn cứ đến bến cũ để tiện lợi hơn hoặc chỉ có hơn 20 tuyến xe đi ra Bắc mà người dân không có nhu cầu thì đi ra bến mới làm gì”.

Theo TS Võ Kim Cương, trong thời điểm hiện tại rất cần sớm đóng cửa bến cũ để tập trung hoàn toàn vào khai thác bến mới. Điều này không chỉ sớm tạo thói quen cho người dân mà còn giảm bớt rất nhiều tình trạng kẹt xe khu vực nội đô TP. TP cần phải có mốc thời gian cụ thể thông qua việc quảng bá tuyên truyền rằng ngày nào dứt khoát đóng bến cũ, bởi nếu không quảng bá, người dân không nắm thông tin thì vẫn đi bến cũ, thậm chí đi “xe dù, bến cóc”.

“Ngoài ra, không nên đóng cửa cái rụp bến cũ. Trong quá trình di dời, giai đoạn quan trọng nhất là giai đoạn chuyển tiếp hành khách, thậm chí khi công trình hoàn thành thì hệ thống giao thông kết nối phải xong trước” - ông Cương nhận định.

Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, cũng cho rằng muốn BXMĐ mới hút khách thì phải sớm đóng cửa bến cũ và để tập trung vào khai thác bến mới. Đồng thời, ngành chức năng cần cung cấp các dịch vụ kết nối ra bến mới như xe buýt, buýt mini sử dụng app, xe con thoi của các doanh nghiệp vận tải tuyến đường dài… đưa khách đến bến mới miễn phí.

“Đặc biệt phải phát triển khu vực thương mại và dân cư ở bến mới. Khi dân cư sầm uất, các dịch vụ phát triển thì sẽ thu hút được khách nhiều hơn” - ông Tuấn nhận định.

 

TS Phạm Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho hay tiện lợi thì người dân nhất định sẽ sử dụng, chứ giờ thì ít người có nhu cầu ra Bắc, còn đi Tây Nguyên hay những tỉnh gần gần thì chỉ có thể ra bến cũ. Vậy bến xe mới vắng, khai thác không hiệu quả là điều tất yếu. Bến mới đã hoạt động, khai thác nhưng không hiệu quả thì rất lãng phí.

“Nếu chưa có nền tảng thay thế bến cũ mà áp đặt cái mới lên thì rất nguy hiểm. TP phải nhanh chóng hoàn thiện liên kết từ nội thành ra bến mới. Quá trình này không nên làm quá nhanh sẽ gây rối loạn và cũng không nên làm quá chậm để làm thiệt hại kinh tế của TP. Vì thói quen của người dân thay đổi phải có cơ sở, nền tảng tốt hơn, đó là tiện ích mới hiện đại hơn tiện ích bến cũ” - TS Phạm Hùng nhận định.

Phải có phương án, lộ trình

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (thuộc Sở GTVT), cho rằng: “Muốn đóng cửa BXMĐ cũ phải có phương án, lộ trình cụ thể sau khi được các đơn vị liên quan đánh gía. Đồng thời cũng cần có sự đồng thuận từ doanh nghiệp vận tải và xử lý được hoạt động trái phép “xe dù, bến cóc”. Những điều kiện trên phải được thực hiện thì mới có thể dời BXMĐ cũ ra BXMĐ mới”.

 

Ông Hải cho biết thêm, trước đây hạ tầng giao thông trước BXMĐ mới chưa hoàn chỉnh nên theo đề xuất của chủ đầu tư là Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH một thành viên (Samco) chuyển trước 22 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc) ra bến mới và sau khi hạ tầng hoàn thiện là sẽ di dời hết.

Tuy nhiên, trong thời gian qua hành khách ở bến mới còn ít là do người dân chưa quen. Do đó, Samco đề xuất xe di chuyển từ bến mới sẽ cho qua bến cũ làm thủ tục.

“Việc xem xét, đánh giá bến cũ chuyển ra bến mới đã có chủ trương từ lâu nhưng theo nguyên tắc có bến mới phải di dời bến cũ. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể phải có đánh giá, phương án vì liên quan phương án tài chính của Samco. Sau thời gian đánh giá thì sẽ nghiên cứu, xem xét chuyển tất cả ra bến mới. Bến cũ sẽ quy hoạch là bãi đậu xe cho xe buýt hoặc bãi đậu xe công cộng cho TP” - ông Hải thông tin.

Do đó trong tuần sau, Sở GTVT sẽ mời các đơn vị liên quan đánh giá, xem xét cụ thể lộ trình chuyển tiếp như thế nào. Ngoài ra, sở đề nghị các địa phương cũng phải tăng cường công tác phối hợp chống “xe dù, bến cóc”.

Theo ông Hải, dù ở bến cũ hay bến mới thì người dân cũng đều phải sử dụng phương tiện cá nhân hoặc công cộng để ra bến. Bến mới được đầu tư sẽ có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, không kẹt xe, không gây ùn tắc trong trung tâm TP, phù hợp với quy hoạch của bến xe trong tương lai.

Ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BXMĐ, cũng cho hay BXMĐ mới sau một thời gian hoạt động sẽ đánh giá rồi sẽ có lộ trình di dời.

“Có ba vấn đề cần kết nối đồng bộ ở bến mới thì mới có thể sớm đóng cửa bến cũ. Cụ thể là hạ tầng trong - ngoài bến, metro và xe buýt… Từ đó người dân có nhiều lựa chọn để tiếp cận, vừa giảm thời gian, chi phí, đi lại thuận tiện. Cùng với đó, tổ chức giao thông và xử lý “xe dù, bến cóc” bài bản sẽ mang lại hiệu quả hơn” - ông Chín nói.

7 triệu lượt khách mỗi năm

Mục tiêu của BXMĐ mới là phục vụ 7 triệu lượt hành khách mỗi năm, hạ tầng của bến phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành.

Theo Samco, giai đoạn 1 của dự án BXMĐ mới hiện nay vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện. Khi hoàn thiện, bố cục tổng thể của dự án là phỏng theo ý tưởng thiết kế “Sân khấu lớn và tính cách TP.HCM”. Trong đó, sân khấu lớn là nhà ga, trung tâm thương mại, khách sạn, quảng trường… nhằm phục vụ tối đa các tiện ích cho hành khách cũng như vui chơi, giải trí cho người dân.

Trong các giai đoạn tiếp theo, khi được đầu tư trở thành một chỉnh thể hoàn thiện, BXMĐ mới sẽ điểm tô thêm các tấm ốp dích dắc liên tục từ mặt trước nhà ga đến các công trình xung quanh. Những tấm dích dắc này nhìn như sóng gợn của dòng sông Sài Gòn xinh đẹp, thể hiện sự đa dạng, phong phú, năng động, sáng tạo của TP.HCM. 

 

LINH PHƯƠNG

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png