Thay đổi để thầy trò xích lại gần

Để kéo gần khoảng cách thầy - trò, mỗi ngày đến trường của học trò là một ngày vui, nhiều lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh nội quy trường học vốn còn cứng nhắc
02/01/2024 19:54:05936
 

"Một hôm ở trường, có em nữ sinh khẽ khàng gõ cửa phòng tôi. Em nói đại diện một số bạn đến xin cô. Tôi hỏi xin gì thì em cho biết muốn được trang điểm chút xíu khi đến trường. Tôi hỏi vì sao lại xin như thế, em nói để tự tin hơn, xinh hơn thì sẽ mạnh dạn hơn" - cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TP HCM), kể.

Làm những gì tốt hơn cho học trò

Quyết định được cô hiệu trưởng "ban" ra ngay sau đó, cụ thể các học sinh (HS) nữ có thể trang điểm nhẹ nhàng, nhuộm tóc miễn không quá sáng màu khi đến trường. Từ lúc đó, cảm nhận rõ rệt HS của mình vui đến trường hơn, chứng kiến mỗi ngày các em vào trường với khuôn mặt, ánh nhìn rạng rỡ, tự tin cũng khiến thầy, cô vui hơn, được khích lệ nhiều hơn. Theo cô Trúc, HS ở lứa tuổi dậy thì, các em ai cũng muốn xinh đẹp, HS nữ lại càng thích làm đẹp, điệu đà. "Thay đổi, chiều chuộng HS một chút để các em vui và thêm tự tin, mạnh dạn thì mình sẽ làm" - cô Trúc chia sẻ.

Từ 2 năm nay, Trường THPT Dương Văn Thì cũng là trường cho phép HS có đồng phục lớp. Các em được mặc đồng phục lớp vào ngày thứ sáu hằng tuần. Theo cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, sở dĩ có quy định "phá vỡ" truyền thống này là vì HS đã mặc đồng phục của trường gần như suốt tuần. "Thứ sáu là ngày cuối tuần, các em đã mệt rồi nên muốn được thoải mái một chút. Mỗi lớp khác nhau cũng muốn có đồng phục riêng để thể hiện màu cờ sắc áo, cá tính, sáng tạo riêng của từng lớp. Các em mặc đồng phục lớp thêm đoàn kết, tự hào hơn nên nhà trường cho phép mặc, miễn là vẫn phải đeo phù hiệu của trường" - cô Trúc chia sẻ.

Với tâm niệm kéo gần khoảng cách thầy trò, để hiểu trò, thực sự là người thầy tôn kính nhưng cũng là người bạn lớn để HS tin tưởng, nhiều hiệu trưởng nhà trường không ngần ngại thay đổi chính mình, cho phép các quy tắc có phần ngoại lệ để hướng tới HS, vì HS. Từ nhiều năm nay, HS Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP HCM) được cô Hiệu trưởng Trần Thúy An cho phép mặc đồng phục lớp đến trường vào ngày thứ sáu. "HS vui hơn, vì mỗi lớp có một sáng tạo, nhận diện riêng. Trong năm học này, cũng vì lý do nhà trường chưa đáp ứng tốt mọi nhu cầu về ăn uống của HS nên đã cho các em, tùy theo nhu cầu mang cơm nhà đi ăn để phù hợp hơn với khẩu vị của các em" - cô Thúy An chia sẻ.

Gần gũi để các em thích đến trường

"Em là nữ giới nhưng ở trong hình hài con trai. Em đã xin phép và được ba mẹ đồng ý hết lớp 12 sẽ thực hiện chuyển giới nhưng bây giờ em muốn xin thầy cho phép để tóc dài được không ạ? Ước mơ của em từ rất lâu rồi nhưng nay em mới dám xin thầy" - thầy Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5, TP HCM), kể lại câu chuyện của một HS lớp 11.

Nghe HS trình bày, thầy Hoàng hiểu rõ ước mơ của em được là chính mình rất tha thiết. Suy nghĩ một hồi rồi thầy quyết định: "Trong các giấy tờ khai sinh, em là giới tính nam, theo quy định không được để tóc dài. Nhưng thầy và các thầy cô trong trường từ nay sẽ không nhìn thấy tóc của em nữa. Tức là em được quyền để tóc dài, nhưng nhớ đội nón vào nhé!". "Tôi không gọi là phá vỡ quy định, nhưng áp dụng làm sao để HS của mình cảm thấy được tôn trọng, được quan tâm, yêu thương. Bởi vì suy cho cùng, quy định nào đặt ra cũng chỉ vì HS, hướng tới HS thì tại sao mình không thể thực hiện một cách mềm dẻo, linh hoạt hơn" - thầy Hoàng bày tỏ.

Theo thầy Đỗ Minh Hoàng, đa số HS ở trung tâm GDTX có "thân phận" khá đặc biệt, các em bước vào trung tâm với tâm trạng "hờn cả thế giới" bởi là những HS rớt lớp 10 công lập, trong mắt phần đông mọi người là những em thất bại. Vì vậy, trường học không đơn thuần chỉ dừng ở dạy học mà còn chữa lành cho các em.

Thầy Đỗ Minh Hoàng chia sẻ, ngày mới về trung tâm, giáo viên tại đây có tư tưởng cấm tiệt HS chơi thể thao. Tâm lý thầy, cô cũng nhiều người cho rằng những em mê thể thao chẳng được tích sự gì. "Khi về trường, tôi xin kinh phí, vận động sửa lại toàn bộ sân trường, cho các em chơi đá bóng, đá cầu, bóng rổ, cầu lông…với quy định nếu lỡ làm hư hỏng kính, hay bàn ghế thì phải đền. Nhưng cách đền cũng là yêu cầu các em làm một công việc có ích, việc thiện nguyện chứ không quy ra tiền" - thầy Hoàng nói.

Mỗi ngày, thầy Hoàng đều đến trường sớm, dạo quanh khắp ngõ ngách, mục đích chỉ là nhìn thấy học trò mình hôm nay thế nào, em nào hôm nay có đôi giày mới, em nào có vẻ không vui khi đến lớp. Trung tâm có quy định giáo viên phải là người chào HS trước. Khi thấy thầy cô gần gũi với mình, để ý, quan tâm mình thì các em mới mở lòng chia sẻ. Khoảng cách thầy trò được rút ngắn thì các em mới thật sự thấy trường học là môi trường thân thiện, an toàn và mong muốn được đến mỗi ngày… 

Theo Báo Người Lao Động

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png