Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và dấu ấn của chính phủ kiến tạo

(PL)- Trong nhiệm kỳ của mình, ông Nguyễn Xuân Phúc đã để lại những dấu ấn sâu sắc về một chính phủ kiến tạo, hành động.
03/04/2021 8:08:56718
 

Ngày 2-4, Quốc hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tỉ lệ tán thành 92,92%.

Cũng trong chiều 2-4, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Diễn đàn doanh nghiệp
Việt Nam 2017. Ảnh: VGP

Vừa nhậm chức, quyết liệt với vụ cà phê Xin Chào

Dự kiến đến ngày 5-4 tới Quốc hội sẽ bầu tân Thủ tướng và khi đó ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ chuyển giao, chính thức rời ghế Thủ tướng.

Đánh giá về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều đại biểu Quốc hội cho hay ông đã để lại một nhiệm kỳ khá sôi nổi và nhiều ấn tượng. Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nhận xét trước đó rằng: “Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác quản lý, điều hành của mình”.

Nhớ lại năm năm trước, khi ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ được ít ngày thì báo chí bùng lên vụ quán cà phê Xin Chào (huyện Bình Chánh, TP.HCM), trong đó chủ quán bị khởi tố vì tội kinh doanh trái phép từ năm 2015. Ngày 21-4-2016, trước cuộc gặp của Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp (DN) một tuần, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chủ tịch UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý trách nhiệm những người liên quan đến việc khởi tố.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhớ lại: “Vụ ông chủ quán cà phê Xin Chào bị khởi tố hình sự đã phát đi một thông điệp không lành mạnh cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Rất may, Thủ tướng và các cấp lãnh đạo đã can thiệp kịp thời. Vụ cà phê Xin Chào là không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền”.

Nhưng không chỉ có vậy, trước cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng DN ngày 29-4-2016, tổng giám đốc một công ty đã gửi tâm thư tới Thủ tướng để kể về “hành trình đi tới một giấy phép xây dựng".

Bức thư cho hay: Cửa ải bắt buộc là “giấy chứng nhận thẩm định phương án PCCC” của cơ quan PCCC và hành trình này vô cùng chông gai.

Lúc ấy, Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư còn tồn tại. Đơn vị này lúc đó tỏ ra dè dặt khi đề nghị các bộ phải tập hợp tất cả quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được ban hành trái thẩm quyền hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư kể từ sau 1-7-2015; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ trước ngày 30-9-2016. Nhưng Thủ tướng kiên quyết ấn định thời hạn 1-7-2016 phải có nghị định chung về ĐKKD.

Tiết kiệm hơn 6.300 tỉ đồng/năm

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm năm của Tổ công tác thi hành Luật DN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: “Trong năm năm qua đã cắt giảm, đơn giản hóa được 3.893/6.191 ĐKKD, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công và hơn 6.300 tỉ đồng/năm”.

Dẹp “rừng đinh” 6.000 điều kiện kinh doanh

Cuộc gặp giữa Thủ tướng và DN ngày 26-4-2016 đã truyền đi những thông điệp rất mạnh mẽ, trong đó có hai thông điệp quan trọng là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” và “tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, cạnh tranh và công bằng”.

 

Nhưng thống kê của VCCI và CIEM, Bộ KH&ĐT lúc ấy cho thấy còn gần 6.000 điều kiện đang cản trở kinh doanh. Việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD là yêu cầu bắt buộc khi ngày 25-4-2016, Thủ tướng sau khi họp với nhiều cơ quan tham vấn độc lập, các chuyên gia đã ra lệnh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của Luật DN, Luật Đầu tư là đến ngày 1-7 phải có nghị định chung về kinh doanh.

Lúc ấy, các điều kiện về xuất khẩu gạo, kinh doanh gas, nhập khẩu nhựa, thậm chí là nhập máy in… cũng rất nhiêu khê từ thủ tục. Các chuyên gia ví von: “Các ĐKKD được ví von như một “rừng đinh” có khả năng “sát thương” cao đối với DN. Trung bình mỗi năm Việt Nam có 100.000 DN được thành lập nhưng số DN giải thể, ngừng hoạt động chiếm khoảng 60%”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, nhớ lại: Nhờ sự quyết liệt của Thủ tướng, các bộ đã phải gấp rút trình các nghị định về ĐKKD, đưa hết các ĐKKD ở cấp thông tư lên nghị định như tinh thần của Luật DN, Luật Đầu tư. Trong báo cáo về “quyền tự do kinh doanh và ĐKKD” năm ấy, VCCI còn nêu có khi Bộ Tư pháp phải thẩm định 50 dự thảo nghị định một tuần.

Sự quyết liệt ấy còn thể hiện bằng việc đúng ngày 19-8-2016, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Chắc chắn đây là những tiền đề để Chính phủ tiếp tục cải cách ĐKKD, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực sự an toàn, bình đẳng, cạnh tranh và công bằng.•

 

Bốn trụ cột của chính phủ kiến tạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ của mình đã đề ra khái niệm chính phủ kiến tạo thay cho chính phủ điều hành trước đó. Chính phủ này dựa trên bốn trụ cột (đặc điểm) là:

1. Chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế tốt để nuôi dưỡng phát triển kinh tế chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn;

2. Nhà nước không làm thay thị trường;

3. Kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi;

4. Siết chặt kỷ luật cán bộ, xây dựng chính quyền điện tử.

Trong phiên trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường chiều 18-11-2017, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ kiến tạo là chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn. Bộ máy chính phủ phải năng động hơn, có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn để áp dụng cùng với đường lối, chính sách của Đảng để chủ động tốt hơn chứ không phải rơi vào thế bị động”.

CHÂN LUẬN

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png