Tùng FoodMap đưa nông sản lên sàn

TP - Phạm Ngọc Anh Tùng - Giám đốc Cty CP Công nghệ và Thương mại UFO, đã xây dựng “bản đồ nông sản sạch” và sàn thương mại điện tử FoodMap để đưa sản phẩm nông nghiệp từ trang trại tới bàn ăn, bớt khâu trung gian, giúp nông dân và người tiêu dùng có lợi nhất.
09/03/2021 8:34:22436
 

 

Phạm Ngọc Anh Tùng sáng lập FoodMap để kết nối nông dân với người tiêu dùng Ảnh: NVCC

 

Ý tưởng từ những băn khoăn trong cộng đồng nhỏ

Phạm Ngọc Anh Tùng (SN 1989, Thừa Thiên-Huế) chưa tốt nghiệp đại học và “không có bằng gì, chỉ ngoài bằng lòng”. Anh nói: “Ở Việt Nam, đang học đại học rồi nghỉ có thể là chuyện khác thường. Nhiều người còn cảm thấy mạo hiểm, nhưng tôi thấy bình thường. Tôi nghĩ cần biết rõ bản thân muốn gì, là ai và tìm kiếm con đường thực hiện”.

Phạm Ngọc Anh Tùng vốn là “chàng trai robot” của lớp kỹ sư tài năng khoa Điện tử - Tự động ĐH Bách khoa TPHCM, có nhiều sáng chế ứng dụng công nghệ. Học đến năm ba đại học, anh quyết định rời giảng đường, chọn vùng Cầu Đất, Đà Lạt để chắp cánh cho ước mơ công nghệ của mình.

Ba năm làm ở nông trại Cầu Đất, Tùng được nuôi dưỡng tình yêu với nông nghiệp. Anh có cơ hội đến 15 quốc gia để tập huấn, học tập và nghiên cứu các mô hình nông nghiệp. Từ một người học kĩ thuật, rẽ ngang, anh đi sâu vào các chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp. Anh đã có một quyết định táo bạo là xin nghỉ vị trí giám đốc nông trại để nghiên cứu đưa công nghệ vào lĩnh vực này. FoodMap (bản đồ nông sản) ra đời.

Anh chia sẻ, trong quá trình làm anh thường xuyên nhận được câu hỏi của gia đình và bạn bè, rằng sản phẩm này có tốt không? Có phun thuốc, dùng chất bảo quản không? Mua ở đâu tin cậy?… “Tôi tạo nên FoodMap lúc đầu chỉ để giải đáp băn khoăn trong cộng đồng nhỏ, chủ yếu cho người thân, bạn bè và thỏa ý thích điện tử - tự động hóa trong nông nghiệp”, anh nói.

Các bên cùng có lợi

Tháng 12/2018, FoodMap khởi đầu từ một căn phòng nhỏ tại TPHCM. Hành trình từ khởi đầu đến lúc gọi vốn thành công là chuỗi ngày tháng đầy thử thách. Suốt năm đầu tiên, Tùng phải “xoắn não” tìm lời giải xây dựng sàn thương mại điện tử kết nối giữa người mua và người bán. Đến làm việc với nông dân, anh phải đối diện với hàng loạt thắc mắc lẫn hoài nghi về khả năng bán được hàng, thu mua giá cao, được mùa không “rớt” giá…

“Đó là bài toán con gà quả trứng. Người dùng phải nhiều thì nhà cung cấp mới tham gia sàn và mang nhiều sản phẩm. Người dùng chỉ lên sàn khi mua sắm tiện lợi, hàng đa dạng và nhiều nguồn cung cấp. Chúng tôi mất một năm khéo léo giải quyết bài toán này trong nguồn lực vô cùng hạn hẹp mà vẫn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng 20 - 30% mỗi tháng. Có thời điểm tôi làm thêm bên ngoài để có kinh phí nuôi công ty”, Tùng chia sẻ.

Trong những thời điểm khó khăn, Tùng luôn kiên định quan điểm: FoodMap, nhà sản xuất và nông dân cùng mang lại giá trị cho nhau, cùng xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

Theo Tùng, chìa khóa thành công là thực hiện các chiến dịch bán hàng cho từng loại nông sản khác nhau với nguyên tắc hiểu trước khi bắt đầu làm. Nghĩa là, mỗi chiến dịch được khởi động đều đã trải qua khoảng thời gian dài khảo sát, làm việc với nhà sản xuất. Ví dụ, để thực hiện chiến dịch sầu riêng, FoodMap cùng nhà vườn làm việc liên tục với nhau từ lúc cây mới trổ bông, ra quả non đến khi trái chín và vận chuyển về kho của công ty. Trong chiến dịch, công ty không chỉ bao tiêu vườn mà còn mua với giá cao hơn so với thị trường cho nông dân.

Hướng đến xuất nông sản có thương hiệu

Đến nay, chuỗi hệ thống FoodMap đã kết nối với hơn 500 nhà sản xuất, hơn 2.000 hộ nông dân ở 40 tỉnh thành trên toàn quốc. Chuỗi hệ thống có hơn 2.000 sản phẩm được bán, chủ yếu là nông sản tươi, trái cây, đặc sản và các mặt hàng thân thiện với môi trường, người sử dụng.

FoodMap trở thành cánh tay nối dài với nông dân, khi hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, cũng như xúc tiến đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon… Cuối năm 2020, sau khi gọi thành công hơn nửa triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore), Tùng đã thử nghiệm mô hình cửa hàng trải nghiệm đầu tiên O2O2O (online to offline to online) tại TPHCM. Đây là phiên chợ thử nghiệm về đặc sản nông nghiệp. Các đơn vị tham gia gian hàng được trưng bày miễn phí, được hỗ trợ nâng cao nhận diện thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến.

Để đảm bảo chất lượng, FoodMap có bốn tiêu chí đánh giá đối với nhà sản xuất: Phải có truy xuất nguồn gốc; có chứng nhận uy tín về chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn uy tín; sự đánh giá độc lập của đội ngũ FoodMap; đánh giá của khách hàng sử dụng sản phẩm. “FoodMap là một doanh nghiệp, sản phẩm ngon mới giữ chân được khách hàng. Ngon ở đây không chỉ thông qua sự đánh giá chủ quan của đội ngũ công ty và khách hàng, mà còn từ việc khảo sát người dùng sản phẩm một cách độc lập”, Tùng cho biết.

“Tôi nghĩ tự học là kỹ năng quan trọng nhất để phát triển bản thân. Tôi luôn tò mò những điều mới, đặc biệt trong lĩnh vực mình quan tâm. Việc biết được bản thân muốn điều gì sớm là một sự may mắn. Tuổi trẻ không có ước mơ thì cũng rất chán. Động lực lớn nhất để tôi luôn bước tiếp chính là hiện thực hóa ước mơ”.
Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập FoodMap

Mục tiêu của Tùng và FoodMap là đưa nông sản Việt vượt qua cái bóng “xuất khẩu nhiều sản phẩm thô” sang xuất khẩu những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị cao. “Thông thường ở mỗi quốc gia có 1-2 sàn nông sản lớn dẫn dắt thị trường. FoodMap đặt mục tiêu trở thành một trong số đó tại Việt Nam”, Tùng kỳ vọng.

Phạm Ngọc Anh Tùng và FoodMap được vinh danh top 10 công ty công nghệ nông nghiệp tiêu biểu khu vực APAC năm 2020; giải Nhất Blue Venture Award Mùa 3 - Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng 2020. FoodMap là đại diện của Việt Nam tham dự Vòng Chung kết Blue Venture Award Thế giới 2021. Với những thành tích nổi bật trong kinh doanh khởi nghiệp, Phạm Ngọc Anh Tùng được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.

 

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png