Xuất khẩu tôm: Vừa mừng vừa lo

TP - Mỹ mới đây hủy bỏ áp thuế chống bán phá giá với doanh nghiệp xuất khẩu tôm số 1 của Việt Nam, trong khi ngành tôm nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, mục tiêu này khó khả thi.
15/03/2021 8:48:17404
 

 



Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD, tăng 15% so với năm ngoái

 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, ngành tôm năm nay đang có nhiều lợi thế so với các nước đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… khi nước ta kiểm soát được đại dịch COVID-19. Nhiều quốc gia đang ưu tiên chọn mua tôm từ Việt Nam.

Đại diện VASEP cho biết, ngành tôm Việt Nam đang có cơ hội lớn chiếm lĩnh các thị trường sau khi Mỹ ngày 17/2 quyết định bỏ thuế chống áp phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Ngoài ra, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được thực thi cũng mang lại nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0%, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện các nước đối thủ cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador… đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, nên sản lượng xuất khẩu giảm khá mạnh. Dự báo, tình hình của các nước chưa thể khả quan hơn trong quý I/2021. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam có thể tăng 15% so với năm 2020, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm Việt Nam có thể xuất vào Bắc Mỹ khoảng 1,1 tỷ USD, EU khoảng 700 triệu USD, Anh khoảng 400 triệu USD, Nhật Bản 700 triệu USD, Trung Quốc hơn
600 triệu USD...

Tiêu chuẩn khắt khe, cạnh tranh gay gắt

Theo nhiều doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu tôm vẫn sẽ là động lực tăng trưởng của ngành thủy sản năm 2021, tuy nhiên, sự phục hồi nguồn cung của Ấn Độ sau dịch COVID-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam.

Ông Lực cho rằng, thách thức hiện tại của ngành tôm là việc đánh số vùng nuôi, ao nuôi, bởi đây chính là giấy thông hành nhập khẩu, không có mã số ao nuôi, không báo cáo nguồn gốc, lô hàng sẽ không đáp ứng được quy định đối với tất cả thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, việc thị trường yêu cầu sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư, thay đổi hướng phát triển quyết liệt hơn.

Mới đây, EU thông báo, người nuôi tôm không được sử dụng ethoxyquin - một chất bảo quản phổ biến trong thức ăn cho tôm ở Việt Nam. Việc này sẽ khiến thị phần tôm Việt Nam ở EU bị thu hẹp, vì các doanh nghiệp cung ứng thức ăn cho tôm khó mà xoay xở trong thời gian ngắn, khi nguyên liệu là bột cá còn đang sử dụng ethoxyquin. Vì thế, nếu chưa giải quyết được những vấn đề nội tại trên, ngành tôm khó đạt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm nay, ông nhận định.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, cho rằng, để ngành tôm Việt Nam bứt phá trước các nước đối thủ, doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần nâng cao năng lực chế biến, tập trung đầu tư công nghệ, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phát triển những sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, tháng 1, ngành tôm đạt kim ngạch xuất khẩu gần 220 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tháng 2 giá trị xuất khẩu chỉ còn gần 160 triệu USD, giảm 18%. “Mức giảm nhiều hơn tăng cũng chứng tỏ thị trường đang thất thường, nhiều biến động. Do vậy, chúng tôi cũng chưa nói trước được điều gì về mục tiêu năm nay”, ông Luân nói.

DƯƠNG HƯNG

Tiện ích

THỜI TIẾT                                        XỔ SỐ      

LỊCH VẠN NIÊN                                BẢN ĐỒ

CUNG HOÀNG ĐẠO                         GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

back-to-top.png